Không thể xác định được chính xác khoảng thời gian mà con người bắt đầu làm sạch tóc của mình – có lẽ là hơn vài nghìn năm trước – hoặc từ lúc mà người ta có tóc để mà gội. Cho đến khi khoa học hiện đại bắt tay vào nghiên cứu thì mái tóc con người đã trải qua hàng loạt những phát minh và sản phẩm với các nguyên liệu sẵn có, từ động vật, thực vật và khoáng vật.
Năm 4000 TCN: Việc sử dụng mỹ phẩm xuất hiện từ các nhà tắm cho đến nơi tạo kiểu tóc, và đây là những đặc quyền dành riêng cho tầng lớp cao trong xã hội.
Năm 3000 TCN: Người ta tin rằng việc tắm rửa, vệ sinh thân thể sẽ tách xa con người khỏi các loài thú vật khác.
Người Babylon sở hữu nhiều nhà tắm với hệ thống nước sạch và xà phòng làm từ mỡ động vật nấu với tro được chứa trong các lọ đất sét.
Năm 1500 TCN: Các thợ làm mỹ phẩm người Ai Cập thu hoạch thực vật – ví dụ như hoa sen – để chiết lấy tinh dầu, sau đó kết hợp dầu động vật, dầu thực vật cùng muối kiềm để tạo ra một sản phẩm tương tự xà phòng được dùng để chăm sóc da và tắm rửa.
Thời Trung Cổ: Ở phương Tây, sự thanh khiết trong tâm hồn được coi trọng hơn cái sạch sẽ từ bên ngoài, trong khi ở Nhật Bản, tắm rửa hằng ngày đã trở thành lệ thường. Còn tại Iceland, các hồ tắm chứa đầy nước từ suối nước nóng trở thành nơi tụ tập yêu thích của người dân vào những tối thứ bảy.
Năm 800 SCN: Ở Aleppo, Syria, xà phòng được làm bằng cách kết hợp dầu olive, dầu nguyệt quế, nước cùng dung dịch kiềm, đun lên và để nguội. Bánh xà phòng sau đó được cắt thành nhiều phần và có “hạn sử dụng” lên đến bảy tháng.
Năm 1200 SCN: Xà phòng phương Tây trở nên phổ biến, cùng với đó là sự xuất hiện của những nhà làm xà phòng người Hồi giáo ở Tây Ban Nha và Ý. Xà phòng Castile đước sử dụng rộng rãi trong các gia đình hoàng gia châu Âu và Tây Ban Nha.
Năm 1500 SCN: Xà phòng Castile phổ biến khắp châu Âu và được nhập khẩu số lượng lớn vào Anh quốc qua đường biển.
Những nhà tạo mẫu tóc Anh quốc đun xà phòng cạo râu và cho thêm thảo dược để tạo nên mùi hương cùng độ sáng bóng cho mái tóc. Nhưng bên cạnh việc kích ứng mắt, hầu hết xà phòng lúc này đều rất khó gội sạch và để lại một lớp màng mỏng có màu đục trên tóc.
Năm 1800 SCN: Các lái buôn thuộc địa ở Ấn Độ tìm ra thủ thuật massage tóc và cơ thể có tên gọi “champo”, họ giới thiệu nó cho các nước châu Âu.
1898: Nhà hóa học người Berlin Hans Schwarzkopf mở một hiệu thuốc dành riêng cho nước hoa và tập trung vào các sản phẩm cho tóc, bao gồm loại dầu gội nổi tiếng ở dạng phấn, có thể hòa tan trong nước. Tuy rằng thuận tiện, dầu gội của Schwarzkopf vẫn gây nên các phản ứng kiềm và vẫn tạo một lớp màng đục trên tóc sau khi gội.
1900: Dầu xả, với cái tên ban đầu là “thuốc chải tóc”, được tạo ra và giới thiệu ở Hội Chợ Thế Giới bởi một người Pháp tên Edouard Pinaud. Công dụng chính của sản phẩm này là làm mềm ria mép và râu của đàn ông.
1908: Tờ The New York Times vạch ra “những quy tắc cơ bản” trong vấn đề “Làm thế nào để gội đầu”. Tờ báo này cam đoan rằng gội đầu vào ban đêm, chải kỹ càng và dùng phương pháp “làm cháy xém” đi các sợi tóc chẻ ngọn là những phương pháp chăm sóc tóc tốt nhất. Xà phòng Castile được chải lên tóc bằng lược cứng, sau đó xả sạch bốn lần. Các chuyên gia về tóc khuyên rằng “những lần gội đầu nên cách nhau từ một tháng đến sáu tuần nếu tóc ở trong tình trạng khá tốt.”
1914: Quảng cáo dầu gội Canthrox trên một tờ tạp chí sử dụng hình ảnh những cô gái cắm trại gội đầu bên một hồ nước là sự kết hợp giữa hãng Rexall và thương hiệu Harmony Hair Beautifier and Shampoo. Đây là quảng cáo dầu gội mang tính chất thương mại đầu tiên trên thế giới, được thực hiện bởi Kasey Hebert.
1927: Hans Schwarzkopf giới thiệu với công chúng một trong những loại dầu gội dạng lỏng đầu tiên, đồng thời mở ra một đế chế có quy mô thế giới về chăm sóc tóc của mình.
1930: Drene là loại dầu gội đầu tiên chứa các chất hoạt động bề mặt tổng hợp. Nó được bác sĩ John Breck giới thiệu ở nước Mỹ, và ông cũng bắt đầu phát triển các loại dầu gội có khả năng cân bằng độ pH.
1946: Người Mỹ được giới thiệu một loại nước tẩy rửa mang hiệu quả cao, chứa các chất hoạt động bề mặt kết hợp với những hoạt chất hóa học có tính xây dựng như sodium carbonate, sodium silicate, sodium aluminosilicate.
Những năm 1960: Các nhà hóa học tìm ra cách để phân tán polyme trong dầu gội, nhằm “lấp đầy” những hư tổn trên sợi tóc bị gây nên bởi chất tẩy.
Những năm 1970: Quảng cáo dầu gội với người mẫu là Farrah Fawcett và Christie Brinkley – những biểu tượng tóc thời bấy giờ – cam đoan rằng sẽ không ổn nếu bạn không gội đầu vài lần mỗi tuần
Những năm 1980: Cách thức phân tán silicon trong dầu gội được tìm ra bởi các nhà hóa học và sau đó là sự xuất hiện của một loạt bằng sáng chế cho các sản phẩm dầu gội đầu “2 trong 1”. Người ta bắt đầu cho rất nhiều silicon vào dầu gội để đảm bảo chúng bám lại trên tóc một số lượng vừa đủ sau khi đã xả sạch bằng nước, tạo nên một hiệu ứng mượt mà cho mái tóc.